Di dời trụ sở
các bộ, ngành và sốt đất nền là những thông tin thu hút nhiều sự quan tâm tại cuộc
họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều ngày 9/4.
Quang cảnh tại Mễ Trì, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Di dời trụ sở
các bộ, ngành và sốt đất nền là những thông tin thu hút nhiều sự quan tâm tại
cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều ngày 9/4.
Vụ trưởng Vụ Quy
hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng cho biết, cuối tháng 3/2019, Viện Quy hoạch đô
thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung
phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến
năm 2030.
Theo báo cáo của
VIUP, việc đưa các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, mức tài chính đòi hỏi là thấp
nhất gần 12.000 tỷ đồng. Nếu hướng di dời là về khu Mễ Trì, phương án tài chính
cần hơn 14.000 tỷ đồng. Phương án 3, phân chia các bộ, ngành về cả 2 khu vực
này, phương án tài chính dự kiến là 17.000 tỷ đồng…
Nhiệm vụ di dời
trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Địa điểm
di dời được chọn theo phương án tại khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Việc tổ chức
thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể về lộ trình để đảm bảo
tính khả thi khi triển khai - bà Hằng khẳng định.
Đây chính là
phương án thứ 3, bố trí các cơ quan tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì; trong
đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ
bố trí 7 cơ quan. Dự kiến, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần 17.000 tỷ đồng; trong
đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Hiện dư luận
quan tâm việc phương án tài chính huy động từ khai thác quỹ đất cũ của các trụ
sở bộ, ngành tại nội đô cao nhất cũng chỉ gần 7.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so
với kỳ vọng. Về vấn đề này, bà Hằng lý giải, phương án tài chính cho việc di dời
12 bộ ngành phải cân nhắc dựa trên các nguồn lực; trong đó có nguồn cân đối từ
ngân sách, nguồn từ việc đấu giá những khu đất cũ của các cơ quan.
Tuy nhiên, những
con số đưa ra trong báo cáo của VUIP mới chỉ là số tham mưu, đề xuất. Còn thực
tế, khi đã xác định chức năng sử dụng đất tại các vị trí để đưa ra đấu giá thì
việc đấu giá phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo quy định của Luật Đất
đai; đảm bảo lợi ích của nhà nước, của xã hội. Còn việc thay đổi giá trị đất
qua các phương án đề xuất thì liên quan đến quy mô đấu giá đất. Phương án chốt
cuối cùng phải được các bộ, ngành đồng thuận - bà Hằng chia sẻ.
Trước phản ánh về
biến động giá đất nền và sốt đất tại một số khu vực, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục
trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho hay, việc phân lô bán nền
theo quy định của Luật Đất đai là được phép và theo nhu cầu của thị trường.
Thời gian qua, tại
2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, tình hình thị trường đất đai có diễn biến phức tạp.
Chính phủ đã giao cho các địa phương này chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Bộ Tài chính xem xét xử lý. Biến động về thị trường đất đai thì trách nhiệm
chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Liên quan đến
kinh phí bảo trì 2% tại các dự án chung cư - một trong những nguyên nhân gây chấp
kéo dài giữa chủ đầu tư và người dân, ông Ninh chia sẻ, Bộ Xây dựng đã làm việc
với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời nhận báo cáo của khoảng 40 địa
phương về nội dung này cũng như vấn đề quản lý chung cư.
Cuối tháng 4, Bộ
Xây dựng sẽ có buổi giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về vấn đề này.
Việc có nên tiếp tục duy trì hay bỏ quỹ bảo trì này như đề xuất của một số hiệp
hội nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng sẽ được báo cáo cơ quan có thẩm quyền
nghiên cứu, xem xét, quyết định.
Theo
TTXVN/VIETNAM+