Trong Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô
Hà Nội có một điều quan trọng: Sông Hồng sẽ là một trục cảnh quan quan trọng nhất
của Thủ đô.
Sông Hàn chảy qua Seoul (bìa trái) và sông Hồng chảy qua Hà Nội có cùng bề rộng nhưng khác nhau về chế độ thủy văn |
Từng nhiều năm
nghiên cứu dự án, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt
Nam cho rằng muốn “nắn” sông Hồng, muốn trưng dụng dòng sông để phục vụ cho quá
trình phát triển đô thị cần phải hiểu rõ về con sông.
Sông Hồng khác
biệt với hầu hết các con sông đã được quy hoạch tại châu Âu, châu Á. Sông Hồng
bao đời nay gắn với đặc tính bên lở, bên bồi với nguồn phù sa dồi dào. Về địa chất đã tạo nên một vùng châu thổ đồng
bằng Bắc bộ rộng lớn. Về kinh tế, văn hóa, xã hội, đã tạo nên một nền văn minh
lúa nước, văn hóa sông Hồng đậm đà bản sắc.
Cũng theo ông
Tùng, các chuyên gia thủy lợi giỏi trong nước và đều bày tỏ sự lo ngại tới an
ninh về nước, về thủy lợi nếu can thiệp thô bạo tới sông Hồng. Ngoài ra, một lo
ngại lớn là hiện nay những thông số về thủy lợi của thượng nguồn sông (phía quốc
gia láng giềng) do họ bảo vệ nghiêm ngặt, coi là bí mật quốc gia. “Hạ nguồn
sông Hồng sẽ chịu tác động vô cùng to lớn nếu có những điều chỉnh về nguồn nước
thượng nguồn thông qua các hoạt động về thủy lợi thủy điện của họ” – ông Tùng
cho biết.
Một điểm cần lưu
tâm nhất khi lập quy hoạch sông Hồng là phải giải quyết được bài toán trị thủy,
thoát lũ. Ngoài ra, cũng cần phải kiên định, lập quy hoạch để kiến tạo một đô
thị xanh, đô thị bền vững phục vụ lợi ích cộng đồng chứ không phải lợi dụng quy
hoạch để tạo ra những dự án kinh doanh bất động sản phục vụ cho một vài nhóm lợi
ích nào đó.
Đồng tình quan
điểm trên, KTS Ngô Doãn Đức thừa nhận Hà Nội vẫn mơ có thể làm được một con
sông đẹp thơ mộng như sông Hàn nhưng hai dòng sông này hoàn toàn khác nhau.
“Chúng ta không thể đem mô hình Sông Hàn có dòng chảy ổn định, còn sông Hồng
luôn vận hành theo quy trình bên lở bên bồi áp dụng cho nhau. Việc xây 2 con đê
kiên cố bó lấy dòng sông sẽ làm mất đi quy luật vận hành tự nhiên của dòng
sông”.
Đó là chưa kể, nếu
không được xử lý cẩn thận, nước thải của thành phố sẽ làm ô nhiễm dòng sông, nhất
là vào mùa cạn, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư dọc hai bên sông. Điều
đó cũng đã xảy ra đối với Seoul, và người Hàn Quốc đã phải xây đập ngầm Jamsil
để hạn chế ô nhiễm ngược về thượng nguồn sông Hàn. Nhưng với sông Hồng, việc
xây một đập ngầm như thế là điều không thể.
Quy hoạch hai bên sông Hồng đang bị bỏ quên |
Ở góc độ kiến
trúc cảnh quan, ông Đức thừa nhận hai bên sông Hồng hiện nay gần như bị bỏ quên
thành ra nhìn từ phía bờ sông không hề đẹp. Trong khi các đô thị trên thế giới
họ đều ôm trọn dòng sông vào lòng.
“Hà Nội lâu nay
do nhiều đặc điểm nên lãng quên hai bên sông Hồng, giờ phải thay đổi. Thế nhưng
khi đưa vào quy hoạch phải quan tâm đến việc quy hoạch tác động đến đời sống
người dân, sự chịu tải giao thông có khả thi hay không?” – ông Đức cho biết.
Ở góc nhìn khác,
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương - Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng
nhiều thành phố trên thế giới đã thực hiện dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai
thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông trong đô thị. Tuy nhiên, không
thể dựa vào “một vài kinh nghiệm từ nước khác” để áp dụng vào sông Hồng ở Hà Nội.
Ông Phương dẫn
chứng, ở châu Âu, thành phố Warsaw (thủ đô của Ba Lan) có con sông khá lớn
cũng giống như sông Hồng. Có một thời kỳ, họ cũng kè sông để phát triển đô thị.
Tuy nhiên đến nay, bờ kè đó đã được tháo dỡ để cho con sông đó tự nhiên trở lại. “Đối
với các nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận sau khi thực hiện dự án.
Nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải rất quan tâm đến nhiệm vụ
dài hạn. Chúng ta phải nghĩ cho Hà Nội 100 năm, 1.000 năm sau”.
Ông Phương đề xuất
hai bên bờ sông Hồng có thể cải tạo thành các khu không gian công cộng để tận dụng
2 bờ sông. Khi đó không chỉ người dân ở 2 bên bờ sông mà toàn bộ người dân thủ
đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan.
Theo: Thiên
Bình/ DDDN