Sau 22 năm đề xuất,
qua tay từ nhà đầu tư Singapore đến Hàn Quốc song dự án Trấn Sông Hồng (Song
Hong City) vẫn chưa thể triển khai. Tuy nhiên, mới đây TP Hà Nội đã quyết định
tái khởi động dự án này.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản yêu cầu các Sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng (còn gọi là Song Hong City), sau đó gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND TP.
Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - 2007 |
Bản quy hoạch
“trong mơ”
Dự án Trấn Sông
Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực
An Dương từ năm 1994. Đơn vị này cũng thành lập Liên doanh Công ty cổ phần phát
triển đô thị Trấn Sông Hồng để thực hiện dự án với vốn điều lệ 61 tỷ đồng. Tổng
vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận
với UBND TP Hà Nội lúc đó, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với
các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui
chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư
tử. Phía Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng
thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.
Sau đó, Hà Nội
đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố
ven sông Hồng". Theo quy hoạch thành phố ven sông Hồng giai đoạn 1 sẽ trở
thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc
tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.
Phạm vi dự án là
khu vực ven sông Hồng tại thành phố Hà Nội, chiều dài 40 km chia làm 4 đoạn: Đoạn
thứ nhất bắt đầu từ ranh giới hành chính phía Bắc khi sông Hồng chảy vào Hà Nội
tới cầu Thăng Long; Đoạn hai từ cầu Thăng Long tới cầu Chương Dương; Đoạn ba từ
Chương Dương tới cầu Vĩnh Tuy và đoạn cuối là từ cầu Vĩnh Tuy cho tới khi hết địa
giới hành chính Hà Nội.
Trong giai đoạn
1, các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực
hiện quy hoạch "siêu đô thị" gồm có: Xây dựng tuyến đê mới dài 41,7
km dọc sát lòng sông, gia cố 33,8 km đê hiện có; lập kế hoạch xây dựng kè trên
mực nước dài 73,2 km, xây dựng 40,6 km kè bảo vệ phần dưới nước, xây dựng mỏ
hàn tại 3 khu vực và 12 điểm; nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 21,7 triệu
m3.
Tổng kinh phí chỉnh
trị sông là 581,2 triệu USD. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết vấn đề
lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó
lường. Và do chưa được các Bộ ngành liên quan chấp thuận nên dự án vẫn chưa thể
triển khai.
Bám sông để phát
triển
Là người được
giao chuyên trách dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng một thời, ông Đỗ Viết
Chiến – nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tiết lộ, năm 2005, Sở
Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội do ông đứng đầu sang Hàn Quốc ký một Thoả thuận ghi
nhớ. Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ giúp Hà Nội xây dựng bản quy hoạch 2 bên sông Hồng,
đây là bước quy hoạch cơ bản gồm: Thứ nhất là trị thuỷ, thứ
hai là giao thông kết hợp thuỷ lợi, thứ ba là khai thác hiệu quả
quỹ đất hai bên sông.
Mục tiêu đặt ra
lúc này là Hà Nội không được quay lưng vào sông mà phải hướng mặt vào sông.
Trên cơ sở đó, phía Hàn Quốc sang Việt Nam gồm 50 chuyên gia nghiên cứu.
“Thực tế cho thấy
chế độ thuỷ văn hai con sông giống nhau đến mức kỳ lạ. Nếu sông Hồng chảy từ
Tây Bắc xuống Đông Nam thì sông Hàn chảy ngược lại, nếu sông Hồng đỏ nặng phù
sa thì sông kia mang màu xanh chảy từ núi xuống. Đặc biệt, mực nước sông Hồng
chênh lệch giữa hai mùa khô và mùa lũ lên đến hàng chục mét, và chỉ duy nhất
sông Hàn cũng có điểm tương đồng này, trong khi các con sông khác trên thế giới
không như vậy” – ông Chiến cho biết.
Tuy nhiên quy hoạch
trước khi trình Thủ tướng phê duyệt thì vướng vào pháp lệnh đê điều nên không
thể triển khai. Ngoài ra, dư luận lúc bấy giờ lo ngại Hàn Quốc tài trợ quy hoạch
nên Hà Nội sẽ chọn doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư quỹ đất ven sông. Tuy
nhiên, phương án mà Hà Nội đưa ra gồm: Sau khi quy hoạch xong Chính phủ duyệt,
hình thành bao nhiêu dự án là do Chính phủ quyết định, sau đó tổ chức đấu thầu,
đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải hình thức chỉ định nên không có chuyện
doanh nghiệp Hàn Quốc được ưu tiên quỹ đất.
Sau này khi tiến
hành dự án cũng gặp phải nhiều vướng mắc. Hà Nội giờ mở rộng, không phải
40km ven sông đoạn qua Hà Nội nữa mà lên tới 180km nên phải nghiên cứu tổng thể
và đưa vào quy hoạch chung tạm thời chưa duyệt. Đây được cho là một bước lùi
trong quy hoạch. “Hai bên sông Hàn rất phát triển là minh chứng cho việc
trị thuỷ thành công cũng như quy hoạch bám sông để phát triển kinh tế” - ông
Chiến dẫn chứng.
Khu đất đề xuất xây dựng dự án giờ đã không còn vì dân lấn chiếm |
Cách đây đúng 10
năm, ông Chiến từng khẳng định: “Nếu không sớm thực hiện dự án sẽ triệt tiêu
nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không
này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện, quỹ
đất này sẽ bị lấn chiếm, lại quay trở lại mốc ban đầu”.
Và đến nay ông cảm
thấy rất tiếc khi dự án không thực hiện được. Và ông cảm thấy buồn khi khu đất
đề xuất xây dựng dự án giờ đã không còn vì dân lấn chiếm dần. “Mỗi lần bản quy
hoạch đưa ra lấy ý kiến thì người dân lại tranh thủ lấn chiếm ra sát bờ sông. Và
hiện tại gần như mất hết nguồn lực để thực hiện dự án” - ông Chiến cho biết.
Theo: Thiên Bình/ DDDN