Mới đây, Hà Nội
đã quyết định tái khởi động dự án đô thị ven sông Hồng với chủ trương mời
chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn lập quy hoạch, kinh phí do 3 đơn vị doanh
nghiệp trong nước tài trợ.
Đây được cho là
“tín hiệu tốt” bởi nếu quy hoạch đúng hướng dòng sông này sẽ tác động rất lớn đến
sự phát triển của TP.
Sông Hồng hiện nay gần như bị bỏ quên trong khi các đô thị trên thế giới họ đều ôm trọn dòng sông vào lòng |
Ở góc nhìn kinh
tế, việc phát triển đô thị ven sông là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam có nhiều lợi thế tuy nhiên việc hình thành dự án lại đang gặp nhiều
khó khăn.
Sông Hồng có đặc
điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa, mùa lũ nên có hệ thống đê chống lũ, khó
phát triển cảnh quan ven sông hơn nhiều đô thị trên thế giới; hoặc không nên
phát triển nhà cao tầng dày đặc như các dự án đô thị ven sông của nhiều quốc
gia trên thế giới và quy hoạch đô thị ven sông trước đây bởi mô hình đô thị ven
sông của các quốc gia khác không phù hợp với điều kiện của sông Hồng vì còn
liên quan đến vấn đề trị thủy… Tuy nhiên, nếu đảm bảo được một số yêu cầu chính
thì việc triển khai dự án “Sông Hồng” là hoàn toàn khả thi.
Những lưu ý “sống
còn”
Để triển khai hiệu
quả dự án cần đảm bảo các yếu tố về quy hoạch, thỏa mãn các chính sách pháp luật
cũng như cần có phương án xử lý đê điều, giải pháp ứng phó lũ của dòng
sông.
Việc cần làm đầu tiên sau khi quy hoạch được duyệt là triển khai xây dựng hai tuyến giao thông huyết mạch dọc bờ sông thật quy mô, khang trang |
Về vấn đề quy hoạch:
Để dự án được khả thi cần đảm bảo yếu tố đồng bộ trong việc quy hoạch dự án với
hai bên bờ sông vì khu đô thị mang tính đặc thù nên cần được xây dựng dựa trên
cơ sở khoa học, định hướng giao thông theo mô hình phát triển quy hoạch riêng của
khu đô thị đó và đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch chung của thành phố Hà
Nội.
Hiện nay, tình
trạng giao thông của thành phố đang tồn tại những bất cập đó là người dân sử dụng
phương tiện giao thông cá nhân là chính, trong khi phương tiện giao thông công
cộng còn hạn chế. Nếu khu đô thị ven sông được hình thành nên áp dụng theo TOD
(Transit Oriented Development) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích
nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện
giao thông cá nhân gây ra. Đây là khu đô thị nằm ven sông, phía trong đê nên cần
có sự nghiên cứu kỹ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý nhằm đảm bảo hài hòa nhu cầu
giao thông giữa khu đô thị với hệ thống giao thông lân cận.
Phát triển đô thị
ven sông cũng cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Sở dĩ dòng sông Hồng
được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông
trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai cần lưu ý các giải pháp chống
lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.
Trên thực tế,
hơn 20 năm qua chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm và người dân cũng đã ở
dọc 2 bên sông ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, khi triển khai chúng ta cần có các giải
pháp ứng phó với việc này, đồng thời đảm bảo sự hài hòa của dòng chảy cho khu vực
hạ lưu, điều hòa lưu lượng dòng nước không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt
của người dân 2 bên bờ sông cũng như việc sản xuất nông nghiệp của các tỉnh đồng
bằng Bắc Bộ.
Ngoài ra, việc
trị thủy đồng thời cần đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển đô thị nhưng không
ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của con sông và khu vực xung quanh
hai bên bờ sông, việc nắn chỉnh 2 bên bờ sông (nếu có) cần được nghiên cứu trên
cơ sở khoa học để không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông, các di tích lịch sử đền,
chùa miếu mạo… trên 2 bờ sông và tốt về mặt phong thủy. Nếu chúng ta làm được
các nội dung trên, khu đô thị dọc 2 ven sông có thể trở thành “đô thị đáng sống”
nhất nhì ở Việt Nam.
Doanh nghiệp sẵn
sàng vào cuộc
Một trong những
rào cản dẫn tới việc triển khai quy hoạch vào thực tế còn ì ạch là nguồn lực
thì hiện nay đã có lối mở. Đó là việc đã có các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ
nguồn lực để lập quy hoạch.
Việc cần làm đầu
tiên sau khi quy hoạch được duyệt là triển khai xây dựng hai tuyến giao thông
huyết mạch dọc bờ sông thật quy mô, khang trang. Kế đó là chia làm ra các phân
kỳ, hạng mục nào hay khu vực nào ưu tiên làm trước, làm sau. Nguồn lực sẽ tự
nhiên đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản theo hướng đổi hạ
tầng để khai thác quỹ đất. Tất nhiên việc hoán đổi này phải được kiểm soát chặt
chẽ để không được ảnh hưởng tới quy hoạch, hạ tầng, đồng thời không bị lợi dụng
chính sách để trục lợi. Phải đặt lợi ích chung của người dân, sự phát triển của
đô thị lên trên hết.
Để xây dựng quy
hoạch TP hai bên sông phát triển hiện đại và bền vững thì quan trọng là các
ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội là cơ quan đứng ra
chủ trì để lập quy hoạch hai bên sông Hồng. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm
rõ các vấn đề pháp lý đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội, nhất là về vấn đề phạm
vi thoát lũ.
Phải xây dựng được
một quy chế để khai thác không gian xung quanh hai bờ sông Hồng như thế nào cho
phù hợp. Trên cơ sở đó, phải có một quy hoạch mà được ưu tiên đối với tổ chức
khai thác cảnh quan hai bên sông với việc sử dụng diện tích đất cho xây dựng phải
hợp lý.
Tùy từng địa điểm,
từ phía Bắc và phía Nam của sông Hồng để xây dựng những không gian đô thị thích
ứng kết nối hệ thống cầu và hệ thống giao thông để tạo nên một tổ hợp không
gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông theo đúng chức năng và tỷ lệ (kích thước
đô thị hợp lý).
Theo: Thạc
sĩ Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia tư vấn Công ty CP Synetics - HBCI
Group/DDDN
Theo
Dantri.com.vn