Nhiều nhà đầu tư
trong và ngoài nước đều khẳng định rằng Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm để phát
triển các bất động sản du lịch, nhà ở với giá trị đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.
Sáng nay (1/3), tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, chính quyền Đà Nẵng sẽ trao chủ
trương đầu tư cho nhiều dự án BĐS, công nghiệp quy mô lớn hàng tỷ USD.
Đà Nẵng |
Nghị quyết số
43-NQ/TW đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một
trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai
trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài
chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ
trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế
chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước.
Tầm nhìn đến năm
2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung
tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu
vực châu Á.
Về chỉ tiêu cụ
thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra yêu cầu đến năm 2030 (trong vòng hơn 10
năm), Đà Nẵng phải hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với
các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu
người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD, với quy mô dân số đạt khoảng 1,5
triệu người...
Đặc biệt, nghị
quyết đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn này phải phấn đấu đạt
trên 12%/năm, để góp phần nâng tỷ trọng quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn của
Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%. Đồng thời, nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng
Đà Nẵng trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành
phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và
thông minh, thành phố đáng sống. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số
cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.
Dưới góc độ thu
hút đầu tư, dù năm 2018 được Đà Nẵng chọn là "Năm đẩy mạnh thu hút đầu
tư", nhưng tổng vốn FDI đăng ký mới trong năm chỉ đạt 155,9 triệu USD cho
126 dự án; bình quân 1,2 triệu USD/dự án.
Tại phiên họp
HĐND cuối năm 2018, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xúc tiến
và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng cho hay, suốt cả năm 2018 thành phố đã nhận diện và
tập trung xử lý, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Hai điểm nghẽn
ban đầu được tháo gỡ là nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính để tiến đến
minh bạch trong chủ trương đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách đầu tư bằng việc
hoàn thiện quy trình thu hút đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp nên hoạt động
xúc tiến thu hút đầu tư trở nên mạnh mẽ.
Bước sang năm
2019, Đà Nẵng chọn chủ đề là "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư".
Điều này thể hiện trên thực tế với giá trị thu hút đầu tư trong nước vượt trên
6.000 tỷ đồng và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 100 triệu
USD trong 2 tháng đầu năm 2019.
Kết quả thu hút
đầu tư ngay trước "Tọa đàm mùa Xuân 2019" cũng nhận được tín hiệu
tích cực khi chủ dự án Khu đô thị Thủy Tú vừa nâng vốn đầu tư lên 1.800 tỷ đồng; Tập
đoàn Universal Alloy (UAC), Mỹ - 1 trong 3 tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp
nhôm đặc chủng cho sản xuất máy bay đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện
Hàng không vũ trụ Sunshine có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng; Công ty
CP Mikazuki Khách sạn Katsuura (Nhật Bản), đầu tư dự án mở rộng Khu du lịch
Xuân Thiều với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án Danang Gatewway của
Liên doanh Sakae Holdings Ltd, Fission Holdings Pte. Ltd và Công ty CP XNK
Newtechco có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD....
Ông Bùi Đức
Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland
(Vicoland Group) khẳng định Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm để đơn vị này
cũng như các đối tác khác tiếp tục phát triển bất động sản du lịch, nhà ở với
giá trị đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. "Không chỉ nhà đầu tư Việt
Nam nói chung mà còn kỳ vọng góp phần thu hút ngày càng nhiều các nhà tỷ phú bất
động sản nước ngoài đầu tư mạnh vào Đà Nẵng nói riêng", ông Long nói.
Trong khí đó,
ông Lâm Quang Bình (Công ty Tư vấn đầu tư IBSC) cho rằng những chuyển biến
trong công tác cán bộ quản lý cấp sở, ngành ở TP Đà Nẵng đang tạo làn gió mới
trong nhịp cầu giữa chính quyền với doanh nghiệp. Theo ông Bình, nhà đầu tư nước
ngoài đầu tư vào Đà Nẵng phần lớn rất quan tâm về chính sách tiếp cận đất đai
và mặt bằng văn phòng. Lĩnh vực bất động sản văn phòng ở thành phố hiện đang rất
thiếu nên thành phố đầu tư phát triển và khuyến khích thu hút đầu tư.
Đồng tình với ý kiến
trên về khía cạnh hỗ trợ nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai, mặt bằng
sản xuất, kinh doanh, một số ý kiến khác cũng cho rằng Đà Nẵng cần phải
quyết tâm giữ lại các vị trí đất có diện tích lớn để dành cho các trung tâm
thương mại, khu phức hợp văn phòng cho thuê.
Thành phố cần có
thiết kế quy hoạch tổng thể, cảnh quan, kiến trúc, đô thị các tuyến đường dọc
bãi biển, hai bên bờ sông, trưng cầu ý dân, công bố rộng rãi hệ số, mật độ xây
dựng. Hiện nay trên dọc tuyến đường biển, chỗ cho 20%, 30%, có chỗ lên đến 70%,
đây là tình trạng chồng chéo dẫn đến doanh nghiệp được và không được.
Giới đầu tư cũng
cho rằng sự điều chỉnh trong nhận thức cũng như có góc nhìn cởi mở hơn với các
bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng nói
riêng. Những sản phẩm nghỉ dưỡng có cam kết lợi nhuận không hẳn sẽ là những sản
phẩm tối ưu. Ngược lại, các sản phẩm có khả năng gia tăng giá trị trong tương
lai, quyền sở hữu rõ ràng với số lượng có hạn lại có tín hiệu trở lại tại Đà Nẵng
trong thời gian tới.
"Có thể
nói, rất nhiều khách hàng đang mong chờ vào năm 2019, khi Đà Nẵng tiếp tục có
những sản phẩm chất lượng, tính minh bạch, tính sở hữu rõ ràng để giới thiệu ra
thị trường. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng trong năm 2019 thị trường này sẽ mang tới
cả những sản phẩm mang tính đô thị chứ không riêng gì những sản phẩm mang yếu tố
nghỉ dưỡng", ông Dương Đức Hiển - Giám độc bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Miền
Bắc và Trung Savills Việt Nam, đánh giá.
Còn theo ông Võ
Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng, trên thực tế đã có không ít nhà đầu
tư lo ngại chu kỳ 10 năm xảy ra cho thị trường BĐS Đà Nẵng. Tuy nhiên, khác với
thời điểm 2008, thị trường BĐS ở Đà Nẵng giá sản phẩm trên thị trường vẫn không
hề giảm.
Đặc biệt, tại
các đô thị mới ở khu vực phía nam thành phố, giá trị đất nền vẫn tương đối ổn định;
thậm chí những khu đất ven biển có vị trí đẹp còn tăng giá nhẹ ngay cả khi thị
trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, BĐS ở
Đà Nẵng sẽ không xảy ra tình trạng chạm đáy như cách đây 10 năm (năm 2008). Bên
cạnh đó, đối với những dự án phát triển đô thị của thành phố - nơi có cơ sở hạ
tầng kết nối tốt, dịch vụ phát triển sẽ vẫn giữ được giá bán ổn định và phát
triển tốt. Riêng những khu vực có hạ tầng được hoàn thiện và kết nối tốt thì sẽ
khó giảm sâu. Giải quyết nhu cầu về nhà đất trong giai đoạn hiện tại thì phân
khúc BĐS nhà phố sẽ là lựa chọn và có triển vọng tăng trưởng trong năm 2019.
Đáng chú ý, mới
đây TP Đà Nẵng đã công bố danh mục gồm 44 dự án đang xúc tiến đầu tư trong và
ngoài nước, trong đó có 16 dự án ở lĩnh vực với quy mô khá lớn trị giá hàng
trăm triệu USD. Đồng thời, TP Đà Nẵng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung
của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thông qua các dự án phát triển đô thị
mới.
Trong khuôn khổ
Toạ đàm, TP Đà Nẵng cũng trao quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng
vốn đầu tư hơn 547,6 triệu USD và trao thông báo cho nghiên cứu đầu tư dự án của
11 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.321 triệu USD...
Một số dự án
đáng chú ý như: dự án Danang Gatewway của Liên doanh Sakae Holdings Ltd,
Fission Holdings Pte. Ltd và Công ty CP XNK Newtechco có tổng vốn đầu tư 2 tỷ
USD; Dự án Trường đua ngựa và Trang trại nuôi ngựa, nhân giống của Công ty TNHH
Keyhinge Toys Việt Nam với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD;
Dự án khu tổ hợp
công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tại phường Mỹ An, quận Ngũ
Hành Sơn của Công ty CP Tập đoàn Mặt trời với tổng vốn đầu tư 14.500 tỷ đồng
trên diện tích 22,59ha; dự án khu du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổng hợp
và sân Golf Bà Nà - Suối Mơ của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời với tổng vốn đầu
tư 4.500 tỷ đồng tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Phú, (huyện Hòa
Vang) trên diện tích 604,6ha...
Ông Mai Văn
Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại khu vực miền
Trung, cho biết thêm Đà Nẵng hội tụ các yếu tố để phát triển và khẳng định
vai trò thành phố động lực của khu vực miền Trung ở các lĩnh vực như: bất động
sản, du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao, logistics, khởi nghiệp, tài
chính - ngân hàng…
Việc Đà Nẵng thu
hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nổi tiếng trong và ngoài nước đến đầu tư, xây dựng
cơ sở hạ tầng hay tìm kiếm cơ hội là minh chứng rõ nét nhất, chân thực nhất cho
vị thế của thành phố này. Cộng với quyết sách điều chỉnh quy hoạch chung thành
phố đến năm 2050, các nhà đầu tư nước ngoài đang đến Đà Nẵng bằng hàng loạt dự
án quy mô tỷ USD.
Theo Nguyên Minh/
Theo Trí thức trẻ