Lãnh đạo một
công ty địa ốc tiết lộ, tất cả kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra trong
năm 2018 đều thất bại bởi thị trường và chính sách đều xuất hiện những diễn biến
khó lường.
Cụ thể, kế hoạch
năm 2018 của công ty là bán được 12.000 sản phẩm nhưng kết quả chỉ đạt khoảng
8.000 sản phẩm. Công ty có kế hoạch tung ra gần 20 dự án nhưng đến nay mới thực
hiện được một nửa. Để duy trì hoạt động, công ty đành phải nuôi quân bằng cách
tìm thêm các dự án ngoài.
Ông Vũ Văn Phấn,
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng
vấn đề nổi cộm nhất năm 2018 còn nằm ở tồn kho bất động sản còn giá trị quá lớn,
khoảng 22.976 tỉ đồng. Trong khi nguồn cung nhà ở cao cấp dư thừa nhiều thì nhà
ở xã hội và nhà thương mại giá thấp lại rất khan hiếm dù nhu cầu của người dân
rất lớn.
Hiện tại nhà ở
xã hội chỉ hoàn thành được khoảng 3,92 triệu m2 sàn, so với mục tiêu đề ra
trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 thì mới chỉ đạt trên 31%. Nguyên
nhân chủ yếu do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi.
Ông Phấn dự
đoán, trong năm tới, thị trường có thể vẫn xuất hiện tình trạng giá đất nền
tăng mạnh tại các khu đô thị mới đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngoài ra tình trạng sốt nóng cục bộ cũng diễn ra tại một số dự án nhà ở trong
khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư
uy tín, giá cả phù hợp. Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng dù có nhiều tiềm năng
nhưng khung pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhìn về vĩ mô, kinh tế thế giới đang đứng
trước nhiều biến động với tiêu điểm là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đều là
những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tỏ ra lạc quan,
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng việc thắt chặt tín
dụng nói chung và tín dụng vào thị trường bất động sản nói riêng năm 2019 có những
tác động nhiều chiều đối với các nhà kinh doanh bất động sản. Đối với người mua
nhà đó cũng không phải là điều tích cực vì lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng trả
nợ của người dân khi mua nhà, chính vì thế nhiều người có thể không có khả năng
mua nhà hoặc mua được thì cũng vất vả trả nợ. Tuy nhiên, trên phương diện vĩ mô
thì việc thắt chặt cho vay và đặc biệt cho vay bất động sản sẽ giúp hạn chế rủi
ro bong bóng bất động sản.
“Ở chiều ngược lại
khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt và lãi suất cao bắt buộc các nhà kinh
doanh bất động sản phải điều tiết lại hoạt động kinh doanh bất động sản của
mình. Ngay cả người mua bất động sản khi đi vay cũng sẽ tính toán trong việc
vay ngân hàng vì lãi suất cao. Điều này làm cho thị trường bất động sản phát
triển chậm nhưng có độ ổn định cao” – ông Hiếu nói.