Đây là vấn đề được
đề cập tại hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực
công trình xanh (CTX) trong nước và quốc tế cho chính sách quản lý và thúc đẩy
phát triển CTX tại Việt Nam. Hội thảo do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(Bộ Xây dựng) chủ trì, chiều 28/12.
Tại hội thảo, định
nghĩa về CTX, Chủ tịch CLB Kiến trúc xanh TP HCM Trần Khánh Trung cho rằng: CTX
là những công trình có ảnh hưởng tốt, phát triển bền vững, ít gây hại đến môi
trường, bao gồm môi trường bên trong công trình, môi trường lòng đất, môi trường
trên mặt đất, môi trường nước và môi trường khí quyển.
Cụ thể, CTX có nội
thất bảo đảm tiện nghi, an toàn sức khỏe cho người sử dụng CTX; sử dụng vật liệu
tái chế, tái sử dụng hoặc vật liệu tái tạo nhanh và được quản lý rác thải chặt
chẽ; địa điểm xây dựng công trình bảo tồn hệ sinh thái, kết nội cộng đồng và
thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm nước, tận dụng nước thải và bảo tồn
nước ngầm; sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Toàn cảnh hội thảo. |
Ông Trung cho biết,
trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá CTX nhưng đều có 5 tiêu chí cơ bản là
nội thất, vật liệu, địa điểm, sử dụng nước và năng lượng.
Tại Việt Nam, hiện
có 6 hệ thống đánh giá CTX phổ biển gồm LEED của Hội đồng CTX Mỹ; GREEN MARK của
Hội đồng CTX Singapore; LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam; VACEE của Hội Môi trường
xây dựng; Hệ thống tiêu chí CTX của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Edge của Tổ chức
Tài chính Ngân hàng Thế giới (IFC).
Trong 6 hệ thống
đánh giá CTX nói trên, trừ Edge chỉ có 3 tiêu chí (gồm năng lượng, nước và vật
liệu), 5 hệ thống đánh giá CTX còn lại đều đề cập đến cả 5 tiêu chí cơ bản như
đã đề cập.
Phân loại các
CTX đã được công nhận tại Việt Nam bởi 3 hệ thống đánh giá LEED, GREEN MARK,
LOTUS, ông Trung cho biết các công trình nhà máy chiếm 55%. Đây là các nhà máy
do chủ đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, cần có chứng nhận xanh cho các sản
phẩm xuất khẩu. Tức là nhu cầu CTX xuất phát từ nước ngoài.
Trong khi đó,
công trình thương mại mới chỉ chiếm 10% tổng số CTX được công nhận; tòa nhà văn
phòng 16%, công trình giáo dục 7%, công trình nội thất 5% và công trình nhà ở
7%. Điều này có nghĩa là thị trường CTX tại Việt Nam chưa hình thành, nhu cầu
CTX chưa xuất phát từ trong nước.
Các chuyên gia trong nước tham luận tại hội thảo. |
Ông Trung nhận định:
CTX đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Lực lượng tư vấn xanh đã hình thành và
phát triển nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Thị trường CTX chưa thực sự hình thành.
Nguyên nhân do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Thực tế trên đòi hỏi Chính
phủ cần tham gia sâu để thúc đẩy phát triển CTX.
Đề cấp đến kinh
nghiệm quốc tế trong phát triển CTX, PGS.TS Nguyễn Thúy Loan – Phó viện trưởng
Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, trên thế giới hiện nay phổ biến 2 phong trào
CTX. Một là phong trào CTX do các tổ chức phi chính phủ (NGO) khởi xướng và điều
hành hệ thống đánh giá, như ở Mỹ, Úc, các nước châu Âu. Các hệ thống đánh giá
CTX nhận được sự ủng hộ của Chính phủ các nước. Hai là phong trào CTX do Chính
phủ khởi xướng và điều hành hệ thống đánh giá chính thức, có sự tham gia của
các tổ chức NGO, như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…
Nghiên cứu kinh
nghiệm thực tế của Đài Loan trong phát triển CTX, PGS.TS. Nguyễn Thúy Loan cho
biết, Đài Loan là một trong những điển hình trong phát triển CTX của châu Á. Từ
năm 2005, Đài Loan đã đưa nội dung CTX vào quy chuẩn xây dựng, quy định ngưỡng
thấp nhất của chính sách CTX và bắt buộc mọi công trình xây dựng phải áp dụng.
Đến năm 2017, quy chuẩn xây dựng Đài Loan được chỉnh sửa theo hướng nâng cao
hơn yêu cầu “xanh” trong công trình xây dựng.
Nhờ những chính
sách thúc đẩy phát triển CTX, đến tháng 7/2018, Đài Loan đã có 7.257 CTX, giúp
tiết kiệm 1.761 tỷ kWh điện, 8.347 triệu tấn nước mỗi năm, tổng chi phí điện nước
khoảng 6.997 tỷ Tân Đài tệ/năm.
Theo PGS.TS.
Nguyễn Thúy Loan, Việt Nam cần thống nhất định nghĩa về CTX và chọn 1 hệ thống
đánh giá chính thức CTX làm cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển
CTX toàn quốc và áp dụng bắt buộc CTX đối với các công trình vốn ngân sách nhà
nước. Đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan và triển khai thí
điểm CTX, khuyến khích phát triển CTX từ nguồn vốn tư nhân, phát triển nguồn
nhân lực và thực hiện chiếc lược truyền thông về CTX…
Tại hội thảo,
các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đánh giá cụ thể các ưu điểm, hạn chế của
các hệ thống tiêu chí đánh giá CTX hiện đang áp dụng tại Việt Nam. Các chuyên
gia cơ bản thống nhất quan điểm: Việt Nam cần sớm lựa chọn 1 hệ thống tiêu chí
CTX và kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án về
CTX.
Các chuyên gia quốc tế tham luận tại hội thảo. |
Kết luận hội thảo,
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Nguyễn Công Thịnh cảm ơn các
chuyên gia Trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng
giúp Bộ Xây dựng định hướng chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển CTX tại
Việt Nam.
Về việc lựa chọn
1 hệ thống tiêu chí CTX cho Việt Nam, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh cho biết,
sắp tới Vụ sẽ thành lập tổ chuyên gia gồm thành viên các đơn vị liên quan cùng
thảo luận, phân tích các hệ thống đánh giá CTX hiện hành, trên cơ sở đó, thống
nhất lựa chọn hệ thống tiêu chí CTX cho Việt Nam. Đó phải là hệ thống đánh giá
có tính minh bạch, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ
Xây dựng cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ban hành suất đầu tư, định mức
đơn giá cho CTX trong hệ thống đơn giá, định mức xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ đề xuất
với Chính phủ xây dựng đề án hoặc chương trình thúc đẩy CTX tại Việt Nam nhằm
tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống người
dân, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
Theo Báo Xây Dựng