Tình trạng ùn tắc
giao thông tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang diễn
biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân đô thị cũng
như quá trình phát triển đô thị bền vững. Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều
giải pháp cụ thể để kiểm soát công tác quản lý quy hoạch đô thị, hoạt động xây
dựng nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn luôn là vấn đề gây nhiều nhức nhối cho các nhà quản lý. |
Ùn tắc giao
thông (UTGT) là vấn đề “nóng” về giao thông đô thị, tình trạng này xảy ra thường
xuyên tại các nút giao thông trọng điểm trên các trục chính và các cửa ngõ ra
vào thành phố (TP), đặc biệt khi xảy ra va chạm giao thông hoặc mưa ngập vào giờ
cao điểm.
Đây là hệ quả của
các nguyên nhân chính như: Nhu cầu giao thông lớn, tỉ lệ sử dụng phương tiện cá
nhân cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông vận tải
đô thị còn thiếu và chưa hoàn thiện, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công
cộng còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa
cao, tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao
thông diễn ra khá phổ biến.
Về vấn đề này,
Bộ Xây dựng đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng
ùn tắc giao thông.
Cụ thể, tại Hà Nội,
Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị, các Sở, ngành cần tham mưu cho TP lập tiến độ cụ
thể về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch
1259) và quy hoạch vận tải Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch giao thông 519); cần tập
trung đánh giá việc thực hiện các quy hoạch được duyệt, điều chỉnh xác định vị
trí các cầu Tứ Liên, Đuống, Trần Hưng Đạo; các tuyến đường vành đai, hệ thống
đường hướng tâm và xuyên tâm, các nút giao thông vào cửa ngõ TP từ các hướng
tuyến Cổ Linh, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Trần Duy
Hưng... Đồng thời nghiên cứu đề xuất các tuyến đường bộ trên cao, tập trung
phía ngoài vành đai 1, giải quyết việc quá tải về giao thông như hiện nay, đặc
biệt là các khu vực nội đô lịch sử (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà
Trưng). Tất cả các nội dung nêu trên cần được cụ thể hóa vào quy hoạch phân khu
(các quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt ở các quận bao gồm H1-2, H1-1A,
H1-1B, H1-1C…).
Bên cạnh đó, Bộ
Xây dựng cũng yêu cầu nghiên cứu hệ thống nút giao lập thể ở các nút giao Ngã
Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương – Đường Láng; cần lưu ý thiết kế hiện nay của
tuyến đường Trường Chinh trên cao có điểm kết thúc ở gần khu vực Ngã Tư Sở chưa
hợp lý. Nút giao ngã 7 Khâm Thiên cần sớm tổ chức thực hiện, thi tuyển rộng rãi
phương án kỹ thuật, kiến trúc để giải quyết ách tắc giao thông thường xuyên tại
khu vực.
Nút giao Cổ Linh
(quận Long Biên) kết nối với đường 5B tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng
Ninh hiện phân bố tuyến chưa hợp lý, gây UTGT, xung đột với tuyến đường vành
đai 3, cần nghiên cứu phương án kết nối đường Cổ Linh với tuyến cao tốc 5B dưới
gầm cầu vượt và tổ chức lại nút giao thông.
Ngoài ra, cần tập
trung nghiên cứu đề xuất các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe (giao thông tĩnh), bãi đỗ xe
ngầm tại vị trí đất công cộng (quảng trường, vườn hoa…). Đồng thời xem xét kết
hợp không gian ngầm khai thác dịch vụ, thương mại. Chú ý khi lập quy hoạch nơi
đỗ xe cần lưu ý các điểm đỗ xe trên cao (đỗ xe tự động). Đối với vị trí ga ngầm
C9 ở Hồ Gươm cần nghiên cứu cân nhắc vị trí để đạt hiệu quả giao thông, bảo tồn
di sản và dịch vụ công cộng.
Để giải quyết sự
gia tăng nhanh chóng các phương tiện cá nhân tham gia giao thông, cần chú trọng
nghiên cứu xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng vận tải đa phương
thức, kết nối vận tải giữa các hình thức vận tải khác nhau. Khả năng đáp ứng của
1.800 xe buýt trên 112 tuyến hiện quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Vì vậy, cần đa dạng
hóa loại hình xe buýt với nhiều loại xe khác nhau từ 10 - 60 chỗ để phù hợp với
mặt cắt đường của TP Hà Nội. Xây dựng lộ trình trợ giá cho khách đi xe buýt
thay đổi theo giờ trong ngày, nhằm tạo điều kiện cho hành khách sử dụng tối đa
phương tiện công cộng, giảm mật độ tham gia giao thông giờ cao điểm. Nghiên cứu
chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt khu vực nội đô lịch
sử.
Bộ Xây dựng cũng
yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở Kế hoạch Đầu tư tăng cường kiểm tra,
kiểm soát các dự án thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về nguồn vốn BT,
BOT, PPP… đối với các dự án cấp thiết, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí, thất
thoát tài sản Nhà nước. Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Vụ
Quy hoạch kiến trúc… có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ trong quá trình điều chỉnh
quy hoạch, lập dự án, tổ chức quản lý thực hiện với các Sở, ngành của TP Hà Nội
và kiểm tra hướng dẫn thực hiện.
Đối với khu vực
TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Cần kiểm soát giao thông đô thị TP Hồ
Chí Minh bằng công cụ quy hoạch kết hợp tổ chức quản lý khoa học”.
Theo đó, UBND TP
Hồ Chí Minh cần chỉ đạo lập các quy hoạch chi tiết, xác định vị trí, ranh giới
để mở rộng, xây dựng hệ thống giao thông khác cốt, giải tỏa ùn tắc, có tính đến
lưu lượng trên cơ sở thực tế và dự báo khoa học. Đối với các nút giao lập thể,
khác cốt cần tổ chức thi tuyển rộng rãi đảm bảo tính khách quan, kinh tế, kỹ
thuật, công năng và kiến trúc.
Một trong những giải pháp góp phần giảm UTGT là mở rộng nút giao và bố trí cầu vượt nhẹ. |
Bên cạnh đó, hệ
thống bến bãi mới đạt 17% so với chỉ tiêu quy hoạch tại Quy hoạch giao thông
568 (Quyết định 568/QĐ-TTg quy hoạch 1.145ha) là quá thấp. Do đó, hệ thống bến
bãi đỗ xe buýt, vận tải hàng hóa đều không đạt các chỉ tiêu về quy hoạch. Trong
quá trình lập điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, yêu cầu các Sở, ngành cần
tham mưu cho TP dành quỹ đất cho bến bãi, đỗ xe (ngầm hoặc cao tầng), giảm thiểu
diện tích đất dành cho các công trình cao tầng tập trung đông người ở các khu vực
trung tâm. Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp Sở Giao thông Vận tải đề xuất tiêu
chí để xác định các điều kiện có tính khả thi cho xây dựng công trình cao tầng
trong TP, trong đó phải thỏa mãn điều kiện về giao thông trong khu vực và giao
thông thành phố đối với các công trình có chức năng: Chung cư, hỗn hợp, trung
tâm thương mại, văn phòng.
Trong quá trình ứng
dụng công nghệ để quản lý khai thác giao thông đô thị thì công tác truyền thông
về sử dụng công nghệ mà TP đang áp dụng cần được tuyên truyền phổ biến vào các
khung giờ vàng trên đài truyền hình HTV, VTV và hệ thống Cổng thông tin điện tử.
Riêng khu vực nội
đô các quận 1, 3, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình... TP kiến nghị với Thủ tướng
Chính phủ về cơ chế tài chính để kiểm soát và giảm thiểu phương tiện cá nhân
vào khu vực nội đô. Khai thác hệ thống thu phí tự động ETC; giám sát hoạt động
di chuyển qua eBMS và GPS. Cung cấp thông tin trực tuyến liên tục trên các phần
mềm điện thoại thông minh, giúp người dân có sự lựa chọn hợp lý.
Thảo luận về giải
pháp cho giao thông đô thị, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch
Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng: Thứ nhất, chúng ta cần có đột phá về quản lý
phương tiện giao thông, trong đó cần giảm những phương tiện giao thông vào khu
vực đông dân hiện nay. Thời gian qua, đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế phương
tiện giao thông như biển xe lẻ đi ngày lẻ, biển chẵn đi ngày chẵn hay việc đóng
thêm lệ phí vào khu đông dân… nhiều chính sách đã được đề ra nhưng vẫn chưa tìm
được giải pháp hợp lý để tạo sự đồng thuận từ người dân. Thứ hai là huy động
các nguồn lực xã hội hóa để có những cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp,
các thành phần ngoài Nhà nước tham gia vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Theo KTS Phan
Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tránh ùn tắc không thể
bằng những chỉ thị, nguồn gốc của nó chính là văn hoá, đặc biệt là văn hóa giao
thông. Việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông cần phải được
quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa. Quy hoạch phải có sự đồng bộ chứ không thể ngẫu hứng,
nếu không giải quyết tận gốc thì còn ùn tắc, thậm chí là ùn tắc trong hỗn loạn.
Theo Báo Xây Dựng