Theo nhiều chuyên gia, du lịch nghỉ dưỡng
ven đô tại Việt Nam hiện đang sở hữu những tiềm năng rất lớn và thế mạnh riêng,
khác biệt, thậm chí không thua kém du lịch biển, nhất là khi nhu cầu nghỉ dưỡng
ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố chi phối khiến cho thị trường
này chưa phát triển tương xứng.
Sân chơi đầy tiềm năng
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Du lịch nghỉ dưỡng
ven đô: Thực trạng và triển vọng” diễn ra mới đây, các chuyên gia và nhà đầu tư
đều cho rằng, cùng với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, ẩm thực
thì du lịch nghỉ dưỡng ven đô đang là nhu cầu có thực và ngày càng tăng cao, đặc
biệt với người dân đô thị trước những căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc
sống cũng như mặt trái của việc đô thị hóa. Chính khoảng cách gần với nội đô,
rút ngắn thời gian di chuyển và giá thành rẻ là những yếu tố tạo nên ưu thế
riêng cho thị trường này.
“Tôi cho rằng, du lịch ven đô là nhu cầu cần
thiết của xã hội. Nhất là người dân nội đô, những người đang cần có những nơi
không quá xa, không quá đắt để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng. Với cuộc sống xô bồ,
tấp nập hiện tại, thì việc con người cần phải xả stress, nghỉ ngơi, thư giãn
cũng quan trọng như việc ăn uống vậy”, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội
bất động sản du lịch Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản du lịch Hà Nội. |
Dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Nguyễn
Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi Invest cho rằng, thị
trường ngoại ô đóng vai trò “chia lửa” với thị trường nội đô vốn đang dần trở
nên quá tải. Ông Trung nêu ra 7 yếu tố tiềm năng để thị trường nghỉ dưỡng ngoại
ô có thể tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Thứ nhất là nguồn cầu vô cùng lớn đến từ
nhóm cư dân di chuyển từ nội đô, các vùng lân cận và khách quốc tế. Với nhóm
khách nội đô, ông Trung cho biết có khoảng 4,5 triệu người đang có nhu cầu đi
nghỉ dưỡng ven đô mỗi năm. Trung bình mỗi người đi nghỉ dưỡng ít nhất 5 – 6 lần/năm,
vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 –
30 triệu lượt/năm.
Và theo khảo sát năm 2017, hầu hết trên 90%
người được hỏi mong muốn rằng họ có thể đi nghỉ dưỡng trên 10 lần một năm và
75% trên số đó có thể chi trả 1 triệu đồng/ngày để được đáp ứng nhu cầu nghỉ
ngơi, thư giãn.
“Đó là một thị trường vô cùng lớn mà không
có cạnh tranh. Bởi vì chúng ta cứ làm tốt công việc của mình thì khách sẽ tự đến”,
ông Trung nhấn mạnh.
Thứ hai, ông Trung cho rằng, chính việc nguồn
cung còn hạn chế trong khi nhu cầu về việc nghỉ dưỡng ven đô tăng cao là tiềm
năng, cơ hội để các nhà đầu tư có thể nắm bắt. “Chúng tôi đã thống kê rất kỹ
các vùng xung quanh Hà Nội, từ Ninh Bình đến Mai Châu nhưng có chưa đầy 1.600
phòng resort cho mấy chục triệu lượt khách. Chứng tỏ nguồn cung cho thị trường
này đang cực yếu. Điều này khiến hầu hết khách phải đi lại trong ngày. Tôi tin
rằng kể cả có xây dựng cật lực thì trong 10 năm tới cũng vẫn chưa đáp ứng được
nhu cầu”.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi Invest phát biểu tại tọa đàm. |
Bên cạnh đó, một ưu thế không kém phần quan
trọng mà ông Trung chỉ ra đó là, thị trường ngoại ô ngày càng dễ tiếp cận hơn
nhờ sự rút ngắn khoảng cách từ việc được đầu tư, mở rộng hệ thống hạ tầng, giao
thông công cộng, khiến cho việc di chuyển ra các vùng ngoại ô chỉ còn khoảng 1
giờ chạy xe.
Ngoài ra, theo ông Trung, một lợi thế nữa của
du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô là chi phí rất thấp: "Ví dụ như một resort có 3
phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/người/ngày.
Nó chỉ bằng tiền vé máy bay để người ta đi vào Đà Nẵng, thậm chí còn không bằng.
Mức này nhiều người chi trả được. Và nó sẽ tác động ngược lại thị trường theo
hướng khiến số đối tượng đi nhiều hơn, số lần đi cũng tăng thêm”.
Thêm vào đó, khu ngoại ô Hà Nội có những lợi
thế tuyệt vời để phát triển nghỉ dưỡng như: thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm
đà, con người thân thiện và ẩm thực phong phú. Nếu phát triển thêm dịch vụ mua
sắm thì vùng ngoại ô sẽ càng thêm sôi động.
Mặt khác, với những tiềm năng có một không
hai nói trên, ông Trung nhận định thị trường bất động sản ngoại ô sẽ luôn tăng
trưởng tốt, bất chấp nền kinh tế biến động thế nào. Bởi theo ông Trung, khi
kinh tế đi xuống, những người từng chi trả số tiền lớn để du lịch xa sẽ mất khả
năng chi trả và tự động quay về với du lịch ven đô.
Đồng thời, theo ông Trung, sự vào cuộc của
các cấp quản lý, doanh nghiệp cũng như người dân trong việc phát triển du lịch
– nghỉ dưỡng ven đô cũng là một yếu tố để các nhà đầu tư nên quan tâm đến thị
trường này.
Đồng tình với những ý kiến của ông Nguyễn
Thành Trung, tại buổi tọa đàm, ông Amorn Harnkham, nguyên Giám đốc Tổng Cục du
lịch Thái Lan nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những điểm đến tốt nhất Châu Á về
du lịch nghỉ dưỡng ven đô với những lợi thế về cảnh quan, văn hóa và sự mến khách
của người dân. Đây là những yếu tố có thể thu hút được lượng lớn khách du lịch
quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú.
Ông Amorn Harnkham,nguyên Giám đốc Tổng cục du lịch Thái Lan. |
Cần tháo gỡ những nút thắt
Bên cạnh việc khẳng định những tiềm năng vượt
trội của phân khúc du lịch nghỉ dưỡng ven đô, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp
hội bất động sản Du lịch cho rằng, du lịch ven đô dù đã xuất hiện khá lâu những
hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, tản mạn chưa tạo thành chuỗi, chưa có sự liên kết giữa
các bên liên quan dẫn đến phát triển chưa thực sự có hiệu quả. “Chúng ta đang
xây dựng các sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô một cách rất tự phát, chưa sát với nhu
cầu của từng đối tượng khách du lịch. Các sản phẩm cũng chưa thực sự chất lượng
để đáp ứng nhu cầu. Chúng ta không thể đầu tư xây xong rồi ngồi chờ khách đến
mua hay thuê mà phải quảng bá, thông tin dự án đó đến rộng rãi để những người
có nhu cầu có thể nắm bắt được”.
Bình luận thêm về thực trạng phát triển của
bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty quản
lý khách sạn H&K Hospitality nhấn mạnh, công suất của các sản phẩm bất động
sản thị trường này chưa tốt, bằng chứng là khách du lịch đang chỉ tập trung đổ
về ven đô trong các ngày cuối tuần, còn những ngày trong tuần lại rất thưa thớt,
dẫn đến tài sản nghỉ dưỡng đó không được tối ưu hóa giá trị.
“Vấn đề nằm ở các sản phẩm bất động sản nghỉ
dưỡng hiện tại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách
hàng. Khách đi du lịch là để nghỉ dưỡng và cái nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
bán cho khách hàng là cảm xúc. Cảm xúc đến từ rất nhiều thứ, ví dụ như kiến
trúc. Hầu như các bạn đến các khách sạn, resort đều thấy hao hao giống nhau,
không có nét độc đáo, riêng biệt. Nó không có văn hóa ở đấy. Các khách du lịch
thích khám phá văn hóa của địa phương nhưng hầu như các khu nghỉ dưỡng không
đáp ứng được nhu cầu này”, ông Khánh phân tích thêm.
Theo ông Khánh, bức tranh du lịch ven đô vẫn
phát triển tốt nhưng vấn đề là phải làm thế nào để có những sản phẩm thu hút được
khách du lịch chất lượng với công suất lớn: “Chúng ta phải biết khách nội địa cần
gì, quốc tế cần gì, nhu cầu của họ ra sao. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
nhu cầu của họ là khác nhau. Chúng ta cần những khách du lịch có những chi tiêu
cao nhưng phải thực tế. Các ngày trong tuần không đông khách, vậy làm sao để
lôi kéo khách lên đó, phải nghĩ ra sản phẩm như thế nào cho phù hợp?"
Đối với những hạn chế trong việc thu hút
khách nước ngoài đến với thị trường nghỉ dưỡng ven đô, ông Trương Chí Kiên, chủ
đầu tư dự án sân golf Yên Dũng (Bắc Giang) cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu thực
tế của khách nội đô Hà Nội là khá tốt nhưng với du khách quốc tế thì chỉ mới ở
dạng tiềm năng. Nguyên nhân là do Việt Nam nói chung chưa đủ hạ tầng cần thiết
để phát triển và thu hút khách nước ngoài trong khi đòi hỏi của họ là rất cao,
dẫn đến thời gian lưu trú của khách du lịch nước ngoài còn ngắn.
xem thêm >>>