Chưa giảm, đã lo đối phó
Tại cuộc hội thảo “Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hà Nội tổ chức sáng 30.11, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, có nhiều cơ sở để hạ lãi suất (LS) trong bối cảnh CPI đi xuống như những tháng vừa rồi. Vì vậy, tuần tới, Chính phủ sẽ họp bàn để điều chỉnh LS theo hướng giảm. Thậm chí, ông Muôn cũng mạnh dạn đưa ra biên độ “lý tưởng”: LS huy động khoảng 7,5-8%/năm, cộng thêm 2,5-3% chi phí, ngân hàng (NH) có thể cho vay với LS 10%/năm.
Gần đây lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân có khi thấp hơn cho doanh nghiệp -
Tất nhiên, mức lý tưởng này theo nhiều chuyên gia áp dụng trong bối cảnh hiện tại là khó khả thi, nhưng mức trần 13%/năm là hoàn toàn có thể. Bởi theo báo cáo của NHNN, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ LS cho vay phổ biến ở mức 10-13%/năm, lĩnh vực sản xuất khác 12-15%/năm. Ngoài ra, trần huy động hiện nay phổ biến ở mức 9%/năm, cũng hoàn toàn phù hợp với mức độ chênh lệch huy động - cho vay 3%/năm - đảm bảo đủ cho NH có thể kinh doanh hiệu quả.
Việc giảm trần cho vay là đúng, vì LS huy động phổ biến hiện cũng chỉ có 9% năm. Ngoài ra, DN không thể chấp nhận một mặt bằng LS cao khi mà lạm phát đã giảm, và họ đã phải chịu đựng khó khăn vì LS cao trong một thời gian quá dài
Nguyên Thống đốc NH Nhà nước
Cao Sĩ Kiêm
|
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm chia sẻ với Thanh Niên: “Việc giảm trần cho vay là đúng, vì LS huy động phổ biến hiện cũng chỉ có 9%/năm. Ngoài ra, DN không thể chấp nhận một mặt bằng LS cao khi mà lạm phát đã giảm, và họ đã phải chịu đựng khó khăn vì LS cao trong một thời gian quá dài”.
Mặc dù trần LS chưa được quyết định chính thức, nhưng các NH ngay lập tức lên kế sách đối phó. Nhân viên các NH đã sớm tiếp cận khách hàng, tư vấn gia hạn sổ tiết kiệm để hưởng LS cao vì sang tháng 12 có thể LS sẽ giảm. Một số NH, thậm chí vẫn cho nhân viên chèo kéo khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng nhưng cho hưởng LS dài hạn trên 12 tháng (từ 12 đến 13%/năm).
Cần nhiều giải pháp kích cầu
Dù đánh giá là động thái tích cực, thế nhưng nhiều quan điểm cho rằng việc giảm LS cho vay 1 - 2%/năm chưa hẳn là giải pháp khôi phục nền kinh tế. Theo ông Lưu Ngọc Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Lưu Ngọc Khoa: "Thông tin LS cho vay sẽ tiếp tục giảm cũng không tác động gì đến công ty chúng tôi bởi mức LS vay hiện nay đang ở 16-17%/năm và NH cho hay không thể giảm. Vấn đề mà DN hiện nay quan tâm nhiều nhất là sức mua của thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Các DN hiện nay đang đối phó với vấn đề này nên dù NH có mang tiền đến cửa nhà với LS chỉ 8-9%/năm, DN cũng không mấy quan tâm. Nếu LS cho vay ở mức 15-17%/năm mà DN tiêu thụ được hàng hóa dịch vụ thì cũng vay. Nên theo tôi, việc quan trọng hiện nay là cần có những giải pháp để kích cầu, làm sao dân có tiền để mua sắm”.
Trên thực tế, mặc dù LS cho vay giảm mạnh từ 20%/năm xuống 13%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến ngày 20.11 chỉ tăng khoảng 4,5%, chưa bằng một nửa so với mục tiêu mà NHNN đặt ra. Số DN phá sản vẫn không ngừng tăng lên. Thống kê mới nhất, chỉ trong vòng 1 tháng từ 20.10 đến 20.11, đã có thêm gần 6.000 DN giải thể, dừng hoạt động, tăng 6,6% so với tháng trước.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - không đồng ý với việc áp trần LS cho vay. Theo ông, LS huy động tiền đồng đối với kỳ hạn dưới 12 tháng hiện nay cũng đưa ra mức trần tối đa là 9%/năm. Nếu áp trần lãi vay thì cả LS huy động, cho vay đều có trần và thị trường trở lại thời kỳ bao cấp. Trong khi chưa có cơ quan chức năng nào phân tích một cách bài bản tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do LS tác động lên bao nhiêu. Một điểm khá lạ trên thị trường LS gần đây là LS cho DN vay cao hơn cho cá nhân vay. Cụ thể, LS cho vay DN ở mức dưới 11-15%/năm, trong khi LS cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà có ưu đãi từ 3 - 6 tháng dưới 10%/năm, còn nếu không có ưu đãi thì ở mức 12-13%/năm.
Ông Dương cho rằng không loại trừ trường hợp, nếu áp trần cho vay, các NH sẽ chọn những khoản vay nào đủ “sở hụi” mới cho vay, chọn lĩnh vực mà NH sống được thì tích cực triển khai cho vay. Như vậy, vốn sẽ không chảy vào những chỗ mà chúng ta cần ưu tiên. Vì vậy, vấn đề không hẳn là giảm LS cho vay mà là DN vay làm hàng hóa dịch vụ bán cho ai, cách tiếp cận vốn của DN có dễ dàng không, các thủ tục cho vay có đơn giản không...